Mỗi một công ty, một doanh nghiệp đều có những văn hóa riêng, tuy rằng nó có thể chưa thể hiện rõ ràng hoặc mọi người không định nghĩa được đó là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của một doanh nghiệp.
Định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi để hình thành lên một công ty, đó là những giá trị, niềm tin, hình thức mà mọi người trong doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, nói, hành động như một thói quen, giống như đời sống tinh thần và tính cách của một con người, và là phần quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp.
3 thành phần chính để hình thành lên một văn hóa doanh nghiệp đó là: Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Trong đó, có 2 yếu tố để thể hiện ra văn hóa doanh nghiệp:
- Hữu hình: Đồng phục, khẩu hiệu, nghi thức, quy định, nhạc phim công ty, tập san nội bộ, các hoạt động,…
- Vô hình: Thái độ, phong cách, thói quen, nếp nghĩ của những con người trong tổ chức.
Những gì được xây dựng trong một thời gian dài được doanh nghiệp đúc kết lại và tiếp tục gìn giữ và phát triển nó thì đó chính là văn hóa doanh nghiệp, đây cũng là giá trị quan trọng nhất của doanh nghiệp.
Mô hình văn hóa doanh nghiệp
Trên thế giới và nhiều tài liệu nghiên cứu thì có nhiều loại văn hóa doanh nghiệp, nhưng hiện tại người ta đúc kết ra 4 loại văn hóa doanh nghiệp nổi bật mà đa phần các doanh nghiệp hiện tại đều sử dụng.
1. Mô hình văn hóa doanh nghiệp gia đình
Mô hình văn hóa gia đình là mô hình nằm ở góc thiên về con người và thứ bậc trong doanh nghiệp đó. Dạng mô hình này định hướng về quyền lực, người lãnh đạo như là một người chủ gia đình có trách nhiệm chăm lo cho các thành viên khác và đòi hỏi sự trung thành của các thành viên. Những người có kinh nghiệm, người lớn tuổi, người nắm vị trí cấp cao sẽ có quyền quyết định lớn hơn và đóng vai trò cốt lõi trong doanh nghiệp.
2. Mô hình văn hóa tên lửa dẫn đầu
Ngược so với mô hình văn hóa gia đình, mô hình tên lửa dẫn đầu là loại mô hình thiên về nhiệm vụ và phân quyền. Với mô hình này, họ sẽ chủ động giao việc cho mọi người và để họ có thể chủ động sáng tạo, làm việc và tạo sự bình đẳng trong công việc và chấp nhận những rủi ro nhất định khi giao quyền.
3. Mô hình tháp Eiffel
Mô hình văn hóa này thiên về nhiệm vụ và tôn trọng thứ bậc. Mô hình doanh nghiệp sẽ như một hình tháp có nhiều tầng, mỗi tầng có một nhiệm vụ riêng, phân cấp từ trên xuống dưới và được quy định rõ ràng trong quy chế và bảng mô tả công việc để đảm bảo sự vững chắc của tòa tháp. Các nhà lãnh đạo điều khiển dựa trên sự phối hợp và tổ chức dựa trên hiệu quả công việc, đối với họ giữ cho tổ chức hoạt động trơn tru là quan trọng nhất.
4. Mô hình văn hóa doanh nghiệp lò ấp trứng
Đây là mô hình doanh nghiệp thiên về con người và sự bình đẳng. Mô hình doanh nghiệp này sẽ giúp cho những thành viên trong doanh nghiệp tự phát huy khả năng và mối quan hệ. Các thành viên được tự do sáng tạo, phát triển mà không gặp phải sự gò bó hay ép buộc nào, phát huy khả năng tự học hỏi, tự nghiên cứu, tự hoàn thiện bản thân hơn.
Trên đây là giải thích cho bạn biết mô hình văn hóa doanh nghiệp là gì và có những loại mô hình nào phổ biến tại các doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp hiện nay không đơn thuần tách rời nhau mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố tích cực tùy thuộc vào mục tiêu và đặc thù của doanh nghiệp. Quan trọng hơn hết, con người chính là cốt lõi để phát triển văn hóa doanh nghiệp.