Bạn là một nhân viên hay nhà quản lý cấp cao của một công ty đa quốc gia, và vào 1 ngày đẹp trời, tự nhiên sếp hỏi bạn có muốn đi ra nước ngoài làm không? Tuy nhiên, bạn vẫn còn đắn đo điều kiện để nhân viên được đi làm ở nước ngoài là gì, liệu dễ như bạn nghĩ không?
Bạn là một chủ doanh nghiệp Việt Nam, bạn muốn cung cấp nhân lực cho các công ty nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn (hay còn gọi là xuất khẩu lao động); bạn là chủ doanh nghiệp trúng thầu và nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài và phải đưa cả đoàn nhân viên theo;, nhưng bạn vẫn chưa rõ điều kiện để nhân viên được đi làm việc ở nước ngoài?
Vậy thì bạn cần phải chuẩn bị gì cho bản thân hoặc nhân viên của mình trước khi ra nước ngoài? Điều kiện để nhân viên được đi làm ở nước ngoài là gì? Mặc dù bạn đã hiểu rõ luật về điều kiện để nhân viên được đi làm ở nước ngoài, nhưng còn thông tin nào bạn vẫn đang bỏ lỡ không?
Dưới đây là một số điều kiện để nhân viên được đi làm ở nước ngoài:
Điều kiện để người lao động/nhân viên được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Theo luật số 69/2020/QH14, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp) được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là những đối tượng được áp dụng bộ luật này.
Điều kiện để nhân viên được đi làm việc ở nước ngoài được chia rõ theo nhiều trường hợp như sau:
1. Đối với người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng
Điều kiện
Điều kiện để người lao động Việt Nam được doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài làm việc:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
- Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài
- Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động
- Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động
- Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Đơn đi làm việc ở nước ngoài
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động thường trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động
- Giấy chứng nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế
- Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng
- Văn bằng, chứng chỉ về ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và giấy tờ khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động
2. Đối với doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu làm việc bên nước ngoài
Điều kiện để nhân viên được đi làm khi doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
- Có hợp đồng trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài
- Có phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 31 của Luật này
- Chỉ đưa người lao động Việt Nam đang làm việc cho chính doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu đi làm việc tại công trình, dự án ở nước ngoài theo hợp đồng trúng thầu, nhận thầu
Báo cáo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài
- Chậm nhất 20 ngày (trước ngày đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài), doanh nghiệp phải báo cáo Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội, phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài kèm theo bản sao hợp đồng trúng thầu từ nước ngoài
- Nội dung phương án bao gồm:
- Việc quản lý, sử dụng người lao động ở nước ngoài (nêu rõ số lượng người lao động đưa đi, giới tính, ngành, nghề, công việc cụ thể, thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh; xử lý rủi ro, giải quyết quyền lợi, chế độ đối với người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quyền lợi, chế độ khác có liên quan đến người lao động.
- Việc đưa người lao động về nước trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác.
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp trúng thầu phải cập nhật thông tin về người lao động trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
3. Đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư đưa người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài
Điều kiện của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam để đưa người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài
- Có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
- Có phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 34 của Luật này
- Chỉ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài
(Điều kiện để nhân viên được đi làm đối với cá nhân tổ chức, doanh nghiệp)
Điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
- Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên
- Có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư
- Đã ký quỹ theo quy định tại Điều 24 của Luật này
- Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo diện lao động hoặc dịch vụ việc làm, trình độ từ đại học trở lên
- Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Có trang thông tin điện tử
4. Đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa nhân viên đi nước ngoài đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp
Điều kiện của doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài
- Có hợp đồng nhận lao động thực tập với cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với quy định tại Điều 37 của Luật này và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 39 của Luật này chấp thuận
- Có tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định của Chính phủ
- Chỉ được đưa người lao động có hợp đồng lao động và hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề tại cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài theo hợp đồng nhận lao động thực tập
- Ngành, nghề, công việc cụ thể người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp
Dưới đây là những điều kiện để nhân viên được đi làm và những điều kiện của doanh nghiệp để đưa nhân viên ra nước ngoài làm việc theo đúng quy định của pháp luật. Để xem chi tiết đầy đủ hơn, bạn có thể tư vấn luật sư hoặc tham khảo thêm Pháp luật Việt Nam nhé!
Nguồn tham khảo: Thư Viện Pháp Luật Việt Nam