Mỗi cá nhân đều có những đặc điểm cá nhân rất riêng và khi hoạt động trong tổ chức, yếu tố được sử dụng nhiều nhất là năng lực. Vậy năng lực cá nhân là gì? Nhà quản trị cần làm gì để “quản trị năng lực” của cá nhân trong tổ chức? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Năng lực là gì?
Năng lực là các đặc điểm tổng hợp của 3 yếu tố Kiến thức, Kỹ năng và Thái độ của mỗi cá nhân. Năng lực còn thể hiện thông qua khả năng vận dụng và kiểm soát để đạt được hiệu quả thông qua những mục tiêu trong công việc. Người có năng lực tốt là người có số lượng kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với công việc và biết sử dụng nó thành thạo đáp ứng nhu cầu của vị trí được đảm nhận.
Phân loại năng lực
Sau khi hiểu được năng lực là gì, ta cần hiểu có bao nhiêu loại năng lực để hiểu rõ thêm về các dạng năng lực và ứng dụng vào việc tìm kiếm ứng viên phù hợp với vị trí công việc đang thiếu cũng như hiểu rõ thêm bản thân mình đang có những loại năng lực gì để có kế hoạch nâng cao và cải thiện bản thân.
Xét về nguồn gốc hình thành năng lực, ta có thể chia làm hai loại chính đó là năng lực tự nhiên ( bẩm sinh ) và các năng lực hình thành do quá trình luyện tập.
Các năng lực tự nhiên thường được biết như một loại tư chất khi cá nhân sinh ra đã trội hơn những cá nhân khác ví dụ như năng lực âm nhạc, nghệ thuật, vẽ, …. Những năng lực này chỉ cần một quá trình ngắn được đào tạo chính thức đã có thể dễ dàng đạt được những thành quả tốt hơn các cá nhân khác.
Còn về năng lực thông qua học hỏi, luyện tập được hiểu rằng năng lực đó cần chủ sở hữu thông qua một quá trình dài hạn hơn để nắm vững cũng như vận dụng năng lực ấy trong công việc. Hầu hết các dạng năng lực ( trừ những dạng vô cùng đặc biệt do thể trạng, năng khiếu độc nhất,…) thì đa số có thể hình thành dưới dạng học hỏi và luyện tập.
Xét về phạm vi vận dụng năng lực, ta có thể chia năng lực thành 2 loại là năng lực chung và năng lực chuyên môn. Năng lực chung được biết đến như các loại năng lực mà cá nhân có thể vận dụng trong cuộc sống và nhiều ngành nghề các nhau như tư duy phản biện, sáng tạo, khái quát hóa, tổng hợp và phân tích,…
Năng lực chuyên môn là những năng lực đặc trưng trong những lĩnh vực nghề nghiệp nhất định của xã hội có thể kể đến một vài năng lực như: năng lực âm nhạc, năng lực toán học, năng lực hội họa,…
Mối quan hệ giữa năng lực chuyên môn và năng lực chung :
Đây là hai dạng năng lực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Năng lực chung là cơ sở để hình thành năng lực chuyên môn, năng lực chung là nền tảng vững chắc để phát triển năng lực chuyên môn.
Và ngược lại năng lực chuyên môn càng phát triển thì sẽ hình thành thêm nhiều loại năng lực chung khác mà cá nhân tự đúc kết trong quá trình làm việc và vận dụng năng lực chuyên môn.
Do đó, trong thực tế, hai loại năng lực này không phát triển riêng lẻ mà chúng thường phải được phát triển song song cùng lúc để đạt hiệu quả cao. Bất cứ một vị trí nào cũng yêu cầu năng lực chung ở một mức nhất định kết hợp với đó là một vài năng lực chuyên môn phục vụ cho vị trí đó.
Như vậy, mỗi cá nhân khi xác định nghề nghiệp của mình cần cân đối giữa đam mê và các năng lực bản thân có phù hợp không, cần có kế hoạch rèn luyện nếu có thể để đáp ứng yêu cầu công việc tốt nhất, mang lại thành công cho công việc trong tương lai.
Ứng dụng Quản trị năng lực trong doanh nghiệp là gì?
Quản trị năng lực là tổng hợp các hoạt động hoạch định, tuyển dụng, đánh giá,… lấy yếu tố năng lực làm trọng tâm. Ngày nay, hoạt động Quản trị nhân lực dựa trên năng lực sẽ giúp cho doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh cho mình.
Đồng thời, thông qua việc thấu hiểu được những “tài nguyên” có trong tổ chức là cơ sở để nhà quản trị có phương án tuyển dụng, sử dụng hoặc đào tạo hợp lý nguồn lực con người trong tổ chức. Đây sẽ là cơ sở giúp tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.