Ảnh Hưởng Của Chuyển Đổi Số Trong Doanh Nghiệp
Chuyển đổi số (Digital Transformation) đã xuất hiện trước đó nhưng mãi đến khi Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mới thực sự bùng nổ. Sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là nguyên nhân dẫn đến những sự thay đổi không nhỏ về thói quen, nhu cầu của người dùng hiện tại. Đồng thời, dẫn đến sự chuyển đổi các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành để phù hợp với xu hướng thay đổi hậu Covid-19, cho thấy vai trò và tác động lớn của việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Xu hướng chuyển đổi số có thể hiểu đơn giản là quá trình thay đổi mô hình quản lý truyền thống, mô hình kinh doanh cũ sang mô hình doanh nghiệp số bằng việc sử dụng những ứng dụng công nghệ mới, nhằm thay đổi phương pháp điều hành doanh nghiệp, quy trình làm việc và văn hoá lao động trong doanh nghiệp.Ngoài ra, Digital Transformation đòi hỏi sự liên tục cập nhật cái mới, hiện đại và phải chấp nhận cả thất bại bên cạnh những thành công do đổi mới đem lại.
Đối với xu hướng chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cũng đang từng bước xây dựng và áp dụng các hệ thống chính sách phù hợp với sự thay đổi trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng vận động khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau áp dụng chuyển đổi số (Digital Transformation), đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, ngân hàng và truyền thông. Nhằm góp phần định hướng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số trong từng lĩnh vực, từng ngành nghề và thúc đẩy công nghiệp hoá cùng tái cơ cấu nền kinh tế. Các doanh nghiệp tham gia xu hướng chuyển đổi số thường hướng tới mục đích bao gồm : tăng tốc thị trường, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng vị trí cạnh tranh, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Lợi Ích Của Chuyển Đổi Số Mang Lại Đối Với Doanh Nghiệp
Theo American Express, công nghệ thông tin hiện chiếm 21% chi phí kinh doanh. Công nghệ hiện đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình điều hành, quản trị các hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.Việc áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất doanh nghiệp đã làm nên sự thay đổi về mô hình, cách thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chuyển đổi từ giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử. Mỗi một doanh nghiệp cần phải lựa cho mình mô hình đầu tư công nghệ cho phù hợp cho mục tiêu kinh doanh để phát huy hiệu quả các khoản đầu tư và phù hợp với năng lực khai thác công nghệ của doanh nghiệp.
Trên thực tế, các doanh nghiệp đã nhận biết được việc áp dụng công nghệ thông tin vào doanh nghiệp là giải pháp tối ưu để quản lý doanh nghiệp. Đa dạng các mô hình đầu tư, mỗi mô hình đều có cách tiếp cận khác nhau nhưng lại cùng mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp xác định được lộ trình đầu tư và mối quan hệ giữa các thành phần trong bức tranh tổng thể về áp dụng công nghệ thông tin vào doanh nghiệp.
Việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp liên kết dữ liệu thông tin của các bộ phận khác nhau trên nền tảng cùng một hệ thống công nghệ đồng nhất. Điều này giúp cho việc vận hành luôn lưu thông và dự phòng cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được xử lý nhanh chóng, không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như: lượng hàng bán bị giảm sút, biến động nhân sự, khách hàng có khiếu nại về sản phẩm,…
Ngoài ra, sau khi tham gia quá trình chuyển đổi số, các nhà lãnh đạo, quản lý có thể nắm thế chủ động, dễ dàng truy xuất báo cáo về các hoạt động của doanh nghiệp. Các hoạt động của doanh nghiệp sẽ được hiển thị trên các phần mềm quản trị doanh nghiệp, giúp quản lý doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực làm việc của nhân viên, bởi vì khi áp dụng công nghệ thông tin, số lượng công việc không có giá trị hoặc có giá trị thấp sẽ được tự động thực hiện mà công ty không phải tốn thêm bất kỳ chi phí chi trả thêm. Nhờ đó, nhân viên có thêm thời gian để nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn và thực hiện các công việc quan trọng khác.
Đối với các vị trí cấp cao, chuyển đổi số hỗ trợ đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời. Nhờ có các giải pháp quản trị và vận hành số hoá giúp tăng tính hiệu quả và chính xác cho việc đánh giá năng lực và lương thưởng cho nhân viên của doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác nhờ việc tối ưu hoá chi phí, lợi nhuận và tương tác nhanh chóng với khách hàng, chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng.
Theo báo cáo của Deloitte, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh thì có mức tăng trưởng doanh thu cao gấp bốn lần so với các doanh nghiệp không sử dụng công nghệ thông tin. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích. Phần lớn các doanh nghiệp đã thành công khi tận dụng được những lợi thế mà công nghệ thông tin mang lại khi được áp dụng đúng cách và mục đích. Trong cuộc đua hướng tới số hoá, chỉ những doanh nghiệp có thể chủ động và thích nghi mới có thể tồn tại và phát triển.