Chọn trang

Theo Bộ Y Tế, sáng 22-10, 63/63 tỉnh thành cả nước ta đã đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Phạm vi đánh giá ở cấp tỉnh, huyện và phường/xã. Kết quả có 26 tỉnh đạt vùng xanh – mức bình thường mới (trong đó có TP Hà Nội), 37 tỉnh đạt mức vàng – nguy cơ trung bình, không có tỉnh thành nào ở mức cam, đỏ – tức nguy cơ cao và rất cao.

Tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh

Trước đó, ngày 11-10, Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo Nghị quyết, có 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh gồm: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỉ lệ tiêm vắc-xin; năng lực y tế. 

Cấp độ dịch

Đánh giá mức độ dịch tại 63 tỉnh thành và quy mô xã phường

Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 21.10 Bình Dương, địa phương duy nhất ở mức cam trước đó đã cập nhật đánh giá mức độ dịch và đạt mức vàng. Trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có hai địa phương vùng xanh là: Hà Nội, Hải Phòng; 3 địa phương “vàng” là Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM. 

Ở quy mô xã phường, tính chung toàn quốc có 6.946 xã phường đạt mức xanh, 2.790 mức vàng, 98 xã phường mức cam và 27 xã phường mức đỏ. Về tỉ lệ, trên 2/3 xã phường toàn quốc đã ở mức xanh, số còn ở mức đỏ, cam chỉ chiếm trên 1,3%. 

26 tỉnh, thành cấp 1 (màu xanh, bình thường mới), gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu; Bắc Giang; Bắc Kạn; Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.

37 tỉnh, thành còn lại ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Không có tỉnh, thành cấp 3 (màu cam, nguy cơ cao) và cấp 4 (màu đỏ, nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, vẫn còn 14 huyện và 98 xã cấp 3; 2 huyện và 37 xã cấp 4. 

Cân nhắc hoạt động trở lại theo cấp độ dịch

1. Chứng nhận tiêm vaccine

Theo tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19“, hiện Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm vaccine. Trên thực tế, giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam đã được một số nước công nhận và cho nhập cảnh. 

Theo đó, người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, hoặc đã mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh.

2. Cấp độ nào được hoạt động trở lại

  • Đối với các tỉnh, thành cấp 1, các sự kiện trong nhà và ngoài trời không hạn chế số người. Những lĩnh vực được hoạt động gồm: Vận tải công cộng đường bộ, đường thủy, hàng hải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống; các cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao…
  • Đối với các tỉnh thành cấp 2, hạn chế các sự kiện tập trung đông người trong nhà, ngoài trời hoặc tổ chức có điều kiện. Địa phương căn cứ vào thực tiễn để quy định số người tham gia…
  • Hiện chỉ còn dạy và học tại trường học, cơ sở giáo dục, rạp chiếu phim, phòng gym, dịch vụ massage, vũ trường, quán bar chưa mở lại. Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cũng đã có hướng dẫn để rạp chiếu phim, phòng gym, địa điểm văn hoá nghệ thuật… có thể mở lại theo cấp độ dịch. 

Hiện tại, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 68.809.880 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 49.352.317 liều, tiêm mũi 2 là 19.457.563 liều. 

3. Các hoạt động tại TPHCM

Người đứng đầu UBND TPHCM cho biết theo kế hoạch, thứ 6 hàng tuần các quận, huyện phải hoàn thành đánh giá cấp độ dịch, gửi báo cáo về UBND TPHCM. 

Căn cứ theo nghị quyết 128, lãnh đạo TPHCM nhận định có vấn đề “phải liên thông”, nhưng có lĩnh vực thì theo địa bàn. Ví dụ, địa phương ở cấp độ dịch 1 (bình thường mới) thì được mở nhiều hơn so với địa bàn cấp độ 2 3. Về chủ trương, Chủ tịch TPHCM cho biết  thành phố cho phép ăn uống tại chỗ nhưng mở ở đâu, quy mô bao nhiêu phải dựa vào mức độ an toàn và kiểm soát được dịch 

Tại các buổi họp trước đó, ông Phan Văn Mãi nhiều lần yêu cầu các quận, huyện và sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu mở lại kinh doanh ăn uống tại chỗ, bán vé số, xem xét gỡ bỏ 51 chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố,…