Chọn trang

Discipline nghĩa là kỷ luật, trong ngành nhân sự ngày nay, discipline được hiểu là “kỷ luật nhân viên”. Vậy bạn đã hiểu đủ hiểu đúng về discipline chưa và cách ứng dụng vào quản trị nhân sự đúng lúc, đúng người như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!

Định nghĩa discipline (kỷ luật):

Discipline (kỷ luật) là quy định về các hoạt động của con người để kiểm soát và tạo ra hiệu suất làm việc. Mục đích của kỷ luật giúp khuyến khích nhân viên xác nhận các tiêu chuẩn cần thiết để thiết lập hiệu suất làm việc và ứng xử hợp lý, phù hợp trong công việc. Kỷ luật rất quan trọng trong các hoạt động nhóm, tổ chức.

Discipline là một hành vi có các đặc điểm sau:

Là một hành vi có mục tiêu và trật tự: Tạo nên trật tự trong hoạt động nhóm/ tổ chức và nhằm giúp nhóm/ tổ chức đạt được mục tiêu mong muốn.Khi thành viên của nhóm/ tổ chức không tuân thủ hoặc cư xử không phù hợp nguyên tắc thì hành động “trừng phạt” được gọi là xử lý kỷ luật.Xử lý kỷ luật bao gồm 2 mục đích chính: là trực tiếp phạt cá nhân vi phạm kỷ luật và nhằm giúp “làm gương” cho nhân viên khác tránh lặp lại các lỗi tương tự.

Discipline  là gìDiscipline là gì?

Tầm quan trọng của discipline (kỷ luật) trong tổ chức:

Giúp tổ chức hoạt động hiệu quả hơn nhờ tính nhất quán trong hành vi của nhân viên. Nhờ đó, tổ chức có thể phối hợp hoạt động, hướng về mục tiêu chung của tổ chức.

Giúp các cá nhân có cùng cách ứng xử, các quy tắc được quy định bởi văn bản là “chuẩn mực ứng xử” giúp cho doanh nghiệp có văn hóa tổ chức phát triển, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, hiệu quả.

Xử lý kỷ luật sẽ giúp cá nhân điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với hoạt động của tổ chức. Nhân viên sẽ thực hiện những quy tắc kỷ luật như là một phần không thể thiếu của hoạt đồng “hội nhập” khi bắt đầu quá trình đồng hành cùng tổ chức.

Làm thế nào để xây dựng hệ thống quy tắc kỷ luật hợp lý?

Xây dựng dựa trên các quy định của nhà nước: Một hình phạt đi ngược lại với quy định của bộ luật lao động không thể áp dụng tại một tổ chức được ví dụ: xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng… của người lao động

Xây dựng dựa trên tinh thần công bằng, tôn trọng: nhân viên sẽ tự nguyện chấp hành những quy tắc ứng xử nếu như họ cảm thấy các quy tắc này là hợp lý, đúng đắn. Nếu nhà quản trị muốn xây dựng một môi trường công bằng, tôn trọng thì các quy định kỷ luật phải tập trung vào những giá trị mà tổ chức theo đuổi.

Xây dựng hệ thống kỷ luật bằng văn bản:  Phát hành văn bản với nội dung chi tiết và những phần thưởng/ phạt dành cho hành vi tương ứng và tiến hành truyền thông nội bộ để nhân viên đều được tiếp cận thông tin và thực hiện.

Kỷ luật để phát triển: Tránh các trường hợp kỷ luật vì lý do cá nhân, mang tính vùi dập, nên tập trung vào mục đích phát triển nhân viên nói riêng và mục đích phát triển tổ chức nói chung. Người được giao nhiệm vụ kiểm tra đánh giá phải thật công bằng, chính trực, đứng trước các quyết định xử phạt mang tính nghiêm trọng phải được thông qua bởi trưởng bộ phận nhân sự hoặc người có thẩm quyền cao hơn.

Quan tâm đến các trường hợp cần xem xét khi tiến hành xử lý kỷ luật: 
  • Mức độ nghiêm trọng của vấn đề: Mức độ ảnh hưởng của vấn đề đối với hoạt động của cá nhân khác/ nhóm/ tổ chức có nghiêm trọng không để đưa ra phương thức kỷ luật hợp lý.
  • Tần suất vi phạm: Kiểm tra số lần vi phạm trong tuần/ tháng hay là lần đầu tiên vi phạm, để đánh giá mức độ tuân thủ kỷ luật của nhân viên.
  • Các yếu tố giảm nhẹ: Một số yếu tố như gia đình có tang, tai nạn,… cần được xem xét cẩn thận khi xử lý.