Chọn trang

Quản trị đa quốc gia đang là thử thách cho các nhà quản trị hiện nay, khi một nhà lãnh đạo chọn đầu tư ra nước ngoài bằng cách thành lập công ty con tại các quốc gia khác, tuy cùng một hệ thống nhưng cách làm việc riêng biệt và độc lập. 

Các công ty con này có thể là một tổ chức đa lĩnh vực, hoặc là một tổ chức toàn cầu. Lúc này, công việc của nhà lãnh đạo là quản trị đa quốc gia để đưa các công ty con và cả công ty mẹ tiếp tục phát triển.

(Quản trị đa quốc gia là gì?)

Làm thế nào để tránh những sai lầm khi phải quản lý nhiều công ty thuộc các quốc gia khác nhau?

Quản trị đa quốc gia là gì? 

Quản trị đa quốc gia là việc người lãnh đạo phải quản lý tất cả các chi nhánh của công ty trên phạm vi toàn cầu. Đây là một dạng quản lý và chiến lược cấp cao, việc quản trị bao gồm rất nhiều vấn đề nảy sinh từ các chiến lược quốc tế và toàn cầu.

Tuỳ vào mỗi khu vực khác nhau, mỗi quốc gia hoặc khu vực sẽ có nhiều nền văn hoá khác nhau. Một nhà quản lý toàn cầu nên thảo luận nhiều lần với quốc gia mà họ đang hoạt động và đôi khi với các cơ quan quốc tế khác nhau để hoạt động hiệu quả hơn.

(Quản trị đa quốc gia)

Một ví dụ nhỏ, chuỗi nhà hàng Mcdonald hoạt động với trụ sở chính tại Mỹ, nơi có nền văn hoá khác khá nhiều so với Việt Nam. Trong thực đơn gốc của McDonald không có món cơm, nhưng tại sao chúng ta dễ dàng nhìn thấy những phần cơm, nui và thịt bằm trong các chuỗi nhà hàng McDonald tại Việt Nam?

Điều này có liên quan gì đến việc quản trị đa quốc gia của các nhà lãnh đạo? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn nhé!

Sự khác biệt văn hóa trong quản trị đa quốc gia và làm thế nào để tránh những sai lầm khi quản lý toàn cầu

Mỗi đất nước trên thế giới có những nền văn hoá, phong tục, hệ giá trị đạo đức, hệ thống giá trị kinh tế khác nhau. Giả sử, ở Pháp, địa vị của một người thường được xếp theo những yếu tố quan trọng đối với tổ chức như: thâm niên, trình độ học vấn,..Còn ở Mỹ, địa vị được đánh giá cao ở việc cá nhân họ đã làm được gì, có những thành tựu gì,.. 

(Những khác biệt về văn hoá trong quản trị đa quốc gia)

Khi quản trị đa quốc gia, những khác biệt về bối cảnh xã hội, luật pháp hoặc văn hoá là những thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo. Một nhà quản lý chỉ nhìn mọi thứ theo con mắt của mình mà không xem xét đến các bối cảnh bao quát hơn sẽ không hiểu được quan điểm của người khác, đặc biệt khi quản lý doanh nghiệp ở một nơi có nền văn hoá khác.

Ngược lại, một nhà quản lý có cái nhìn đa chiều và toàn diện sẽ dễ dàng phân tích và hiểu được vấn đề, mau chóng giúp doanh nghiệp thích nghi và phát triển khi mở rộng chi nhánh tại quốc gia khác. 

Quay lại ví dụ của McDonald trước đó, cây lương thực chính của Việt Nam là gạo và nui, thịt heo bằm là món mà người Việt Nam hay ăn. Chính vì hiểu được văn hoá đó, các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp này đã đẩy mạnh bản địa hóa để doanh nghiệp phù hợp với văn hoá Việt Nam.

5 chiều văn hoá của Hofstede trong quản lý một tổ chức toàn cầu  

Theo nghiên cứu của Hofstede trong những năm 1970-1980, thông qua dữ liệu sưu tầm được từ 116,000 nhân viên IBM thuộc 40 quốc gia, ông đã đưa ra 5 chiều văn hoá khác nhau khi quản trị đa quốc gia và đây cũng là một trong những tài liệu được tham khảo rộng rãi nhất:

Khoảng cách quyền lực

Chiều văn hoá này nói về mức độ bình đẳng của một quốc gia. Một quốc gia có khoảng cách quyền lực lớn sẽ có sự bất bình đẳng, ví dụ giữa người bình thường và lãnh đạo, nhân dân sẽ hoàn toàn phục tùng lãnh đạo. Ngược lại, khoảng cách này là thấp thì sẽ ít có sự phân chia ranh giới địa vị xã hội.

Chủ nghĩa cá nhân/tập thể

Chiều văn hoá cá nhân/tập thể đề cập tới mức độ hoà nhập của cá nhân với tổ chức/cộng đồng. Liệu mọi người đang sống vì cá nhân hay vì tập thể?

Trong các nước đề cao chủ nghĩa cá nhân như Anh, Úc, Mỹ, người dân thường tập trung vào cá nhân và chỉ tham gia với cộng đồng nếu họ muốn. Trái lại, các quốc gia có thang điểm thấp về chủ nghĩa cá nhân, con người thường có xu hướng hòa nhập với gia đình, cộng đồng,..

Nam tính/nữ tính

Mỗi quốc gia sẽ có cái nhìn về vai trò của nam nữ khác nhau. Chiều văn hoá này nói lên quốc gia đó sẽ chọn đề cao vai trò của người nam hay người nữ trong xã hội. Bên cạnh đó, có một số quốc gia sẽ có văn hoá nam nữ bình đẳng như nhau.

Tránh sự rủi ro

Chiều văn hoá này nói lên mức độ thích nghi của con người tại quốc gia đó, mức độ sẵn sàng đối mặt với tình huống bất ngờ, và liệu họ có sẵn sàng đối mặt với rủi ro hay không.

Một quốc gia với điểm tránh rủi ro cao sẽ không chấp nhận những điều mới lạ, ngược lại, một quốc gia với điểm tránh rủi ro thấp luôn sẵn lòng chấp nhận những điều mới và không sợ rủi ro.

Định hướng ngắn hạn và định hướng dài hạn

Theo quan điểm này, người dân và doanh nghiệp tại những quốc gia có nền văn hoá dài hạn thường chú ý vào tương lai, coi trọng sự tiết kiệm và bền bỉ, trong khi người dân tại các nước có nền văn hóa ngắn hạn coi trọng quá khứ và hiện tại, đồng thời nhấn mạnh tôn trọng truyền thống và thực hiện các nhiệm vụ xã hội.