Chọn trang

Frederick Winslow Taylor (1856-1915) là một kỹ sư cơ khí người Mỹ, ông từng xuất bản một cuốn sách viết về “những nguyên tắc quản lý theo khoa học của Frederick W.Taylor” vào năm 1911. Thuyết quản lý theo khoa học của ông từng được phổ biến rộng rãi và được áp dụng bởi các nhà quản lý trên toàn thế giới.

(Quản lý theo khoa học – Hình ảnh minh họa)

Quản lý theo khoa học là gì? 5 nguyên tắc quản lý theo khoa học nói về điều gì?

Quản lý theo khoa học – còn được gọi là Chủ nghĩa Taylor, nói về việc áp dụng các phương pháp khoa học để tìm ra cách giải quyết công việc tốt nhất. Tayler được biết đến là “cha đẻ” của quản lý khoa học và là người đầu tiên nhìn nhận công việc theo một cách khoa học.

Nguyên tắc quản lý theo khoa học của Taylor tin rằng có những luật chung quy định tính hiệu quả và những luật này không phụ thuộc vào sự phán xét của con người. Vì vậy, ông luôn cố gắng tìm một cách tốt nhất để công việc có hiệu quả nhất. Theo Taylor, quá trình quản lý khoa học có 5 nguyên tắc chính:

1. Sử dụng các phương pháp khoa học

Nguyên tắc quản lý khoa học của Taylor ủng hộ việc nghiên cứu về thời gian lao động hiệu quả, xem xét những cá nhân lao động hiệu quả và tìm ra lý do tại sao họ có thể làm việc hiệu quả như vậy.

Mục đích của việc này nhằm lặp lại cách thực hiện công việc hiệu quả nhằm giúp mọi người trong tổ chức có thể hoàn thành công việc theo cách hiệu quả nhất.

2. Đào tạo nhân viên theo khoa học

Mỗi nhân viên sẽ được tổ chức đào tạo chính xác cách thực hiện nhiệm vụ. Dựa theo quy tắc quản lý theo khoa học, một người nhân viên phải tìm cách làm công việc theo một cách hiệu quả nhất và nhanh nhất.

3.Sử dụng cách làm việc hiệu quả nhất

Thuyết quản lý theo khoa học của Taylor đề cập việc giám sát và hợp tác. Mục đích của việc này là tối ưu hóa năng suất và sản lượng, giám sát các hoạt động của người làm công để chắc chắn họ không lơ là, và tìm cách hợp tác với nhân viên nhằm tạo ra hiệu quả tốt nhất trong công việc.

4. Phân chia công việc theo khoa học

Trong tổ chức, hệ thống phân cấp phải rõ ràng, công việc phải được sắp xếp theo khoa học. Mỗi người phải làm đúng công việc của mình, ví dụ như quản lý phải có trách nhiệm kiểm tra tiến độ công việc và nhân viên phải thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.

5. Trả lương theo năng suất

Nguyên tắc cuối cùng trong thuyết quản lý theo khoa học của ông chính là người lao động sẽ được trả lương công bằng theo năng suất. Tiền lương mà người lao động nhận được tương ứng với số năng suất mà họ làm. 

Lý thuyết động lực của Frederick Taylor và quản lý theo khoa học

Dựa trên thuyết quản lý theo khoa học của Taylor, cộng lực của nhân viên phần chính chỉ vì tiền bạc. Ông cho rằng nhân viên có xu hướng lười biếng, buông lỏng công việc và có thể nghỉ việc nếu họ có thể. Vì vậy, nhân viên luôn phải được giám sát và theo dõi. 

Nếu việc quản lý vẫn còn khó khăn và phức tạp, các nhà quản lý có thể chia nhỏ công việc và phân công cụ thể cho nhân viên. Đồng thời, phải đào tạo nhân viên làm việc một cách chuẩn mực, nhằm tạo sự đồng nhất trong công việc. 

Khi nhân viên được trả tiền trên những gì mà họ làm được, điều này sẽ tạo ra một động lực, khuyến khích người làm công làm việc hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, kể cả doanh nghiệp cũng có lợi vì đã thực hiện được cách làm hiệu quả nhất và mang lại những giá trị tốt nhất cho công ty mình.

Áp dụng quản lý theo khoa học tại nơi làm việc

Phân tích công việc

Áp dụng theo nguyên tắc quản lý khoa học của Taylor, trước khi thực hiện công việc, bạn có thể suy nghĩ kỹ và phân tích xem có bao nhiêu cách để hoàn thành tốt công việc và ít tốn thời gian nhất. 

Phân công nhiệm vụ

Bạn có thể xác định từng nhiệm vụ và nhân viên nào sẽ làm nhiệm vụ nào, thay vì giao cả mớ công việc cho một nhóm nhân viên và dễ có sự đùn đẩy trách nhiệm. Nhân viên sẽ thấy người quản lý của mình công bằng và từ đó sẽ làm việc hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp có năng suất hơn.

Khuyến khích nhân viên

Đây cũng là một cách quản lý theo khoa học, khi bạn đưa ra mục tiêu và nhân viên hoàn thành kết quả vượt xa mong đợi, bạn có thể cân nhắc tăng lương hoặc có KPI cho nhân viên. Điều này sẽ khích lệ tinh thần nhân viên và làm nhân viên muốn cống hiến hết mình cho bạn.