Chọn trang

Trong quản lý, việc khích lệ nhân viên rất cần thiết bởi vì một HR có nhiều kinh nghiệm sẽ biết cách khích lệ nhân viên của mình tạo ra những giá trị nhất định cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay, đồng nghĩa với việc có thêm nhiều áp lực cũng như các vấn đề khó khăn trong quá trình giải quyết công việc.

Vì vậy, hầu hết nhân viên đều cần nhiều sự khích lệ từ người quản lý, và một nhà lãnh đạo xuất sắc sẽ thường khích lệ nhân viên của mình vào những lúc có vấn đề thay vì phàn nàn và chỉ trích tiêu cực. Hiện nay, mỗi doanh nghiệp sẽ có một chiến lược khác nhau để khích lệ nhân viên nhưng đa số đều hướng đến một mục đích chung là đạt được hiệu quả cao trong công việc.

(Khích lệ nhân viên góp phần quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp)

Dưới đây là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đi làm của nhân viên cũng như  ý nghĩa của việc khích lệ nhân viên trong thời đại 4.0.

Những vấn đề thường gặp làm giảm động lực làm việc của nhân viên

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của nhân viên bao gồm những yếu tố liên quan đến doanh nghiệp và các yếu tố đến từ cá nhân của nhân viên. 

1.Cơ hội thăng tiến

Đối với những nhân viên giỏi, họ cũng không muốn phải làm việc hoài tại một công ty mà công ty đó không có cơ cấu mục tiêu, định hướng rõ ràng cho tương lai. Thử nghĩ đến việc mỗi ngày lặp đi lặp lại công việc ở công ty trong nhiều năm liên tiếp mà không có một mục đích để người nhân viên cảm thấy muốn phải đạt được, nhân viên sẽ không thấy được mình tiến bộ và dần bất mãn.

(Cơ hội được thăng tiến là điều mà bất kỳ nhân viên đều muốn có được khi làm việc ở bất cứ công ty nào)

2.Lương thưởng thấp

Thêm một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến động lực đi làm của nhân viên chính là lương thưởng và các chính sách phúc lợi của công ty. Một công ty trả lương quá thấp so với những gì nhân viên đóng góp  sẽ tạo ra cảm giác so sánh và không hài lòng.. 

Bên cạnh đó, các yếu tố như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương tháng 13, tiền thưởng Tết, tiền thưởng KPI là những yếu tố có thể khích lệ nhân viên rất nhiều.

3.Không còn sự hứng thú với công việc đang làm

Chinh phục được nhân viên không phải là điều dễ dàng kể cả khi nhân viên đang làm trong một doanh nghiệp với cơ hội thăng tiến cao và chế độ lương thưởng đầy đủ. Tại sao nhân viên vẫn cảm thấy không có hứng thú với công việc đang làm dù đó là công việc mà nhân viên từng rất thích? 

Trong một số công ty, dù ở cùng một vị trí không phải khối lượng công việc của ai cũng như nhau. Sẽ có những trường hợp cấp trên giao công việc nhưng một người thì làm quá nhiều và những người còn lại thì không hết mình, hoặc trường hợp sếp giao rất nhiều công việc dồn lên cho một người nhân viên chỉ vì người đó là nhân viên giỏi. Điều này lâu dần sẽ gây ra stress và nhân viên không còn thấy hứng thú trong công việc nửa. 

4.Sự ghi nhận và tính công bằng

Bất kể người nhân viên nào cũng đều mong muốn có được sự ghi nhận đối với những đóng góp của họ cho doanh nghiệp. Trong trường hợp một cá nhân mang lại được nhiều giá trị cho doanh nghiệp nhưng không được ghi nhận, họ sẽ cảm thấy công ty không minh bạch và không công bằng. 

Ở một vài trường hợp khác, người nhân viên không có năng lực nhưng lại được cấp trên nâng lên cao, còn những người có năng lực thì lại không được công nhận, điều này gây ra một sự không công bằng và khi nhân viên chứng kiến hoặc trải qua điều này quá nhiều, họ sẽ có xu hướng tìm một công việc khác. 

5.Các mối quan hệ

Thân thiết với đồng nghiệp hoặc thân thiết với cấp trên cũng là yếu tố tác động đến việc nhân viên muốn đi làm. Giả sử, một nhân viên làm việc xung quanh không có mối quan hệ tốt với bất cứ đồng nghiệp nào, thì khi gặp khó khăn cũng sẽ không có ai giúp đỡ. Tương tự như vậy, việc không có quan hệ tốt với cấp trên cũng là một bất lợi lớn cho nhân viên. Rõ ràng, không một nhân viên nào muốn làm việc trong một doanh nghiệp mà mình không thể hòa nhập được.

6.Các yếu tố khác

Cuối cùng, các yếu tố khác như điều kiện làm việc không thuận lợi: cơ sở vật chất của công ty không đầy đủ, công ty quá xa nhà, văn hoá doanh nghiệp không phù hợp hoặc các vấn đề cá nhân của nhân viên như sức khoẻ không ổn định, bị con nhỏ làm ảnh hưởng, cũng làm nhân viên cảm thấy mất động lực hơn khi nghĩ đến việc đi làm.

Làm thế nào để khích lệ nhân viên?

Khích lệ nhân viên tuy là một việc đơn giản nhưng cũng cần phải có nghệ thuật bởi vì không phải cứ nói suông hoặc đưa tiền cho nhân viên là được. Thông thường, sẽ có 2 cách hay được sử dụng nhất để khích lệ nhân, đó là sử dụng những câu động viên, khen ngợi và áp dụng các chính sách phúc lợi, tiền thưởng để làm tăng động lực đi làm cho nhân viên.

1.Khích lệ nhân viên bằng tinh thần

Đôi khi để làm hài lòng nhân viên không cần những điều quá xa xôi, chế độ lương thưởng khá quan trọng nhưng không phải là tất cả để giữ nhân viên ở lại. Sau đây là một số cách khích lệ nhân viên mà không cần tốn chi phí của công ty:

  • Lắng nghe nhân viên
  • Khen ngợi khi nhân viên làm tốt nhiệm vụ
  • Tạo cảm giác cho nhân viên thấy mình có ý nghĩa với công ty bằng cách giao việc cho nhân viên và hạn chế kiểm soát quá nhiều
  • Nhắc nhở nhân viên về nhiệm vụ và giá trị của doanh nghiệp
  • Tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội thăng tiến
  • Gửi mail chúc mừng sinh nhật của nhân viên
  • Hãy thường nói “Tôi trân trọng những đóng góp của bạn” và đừng quên cảm ơn nhân viên

2.Khích lệ nhân viên bằng vật chất

Ngoài việc chỉ luôn khích lệ nhân viên bằng lời nói, một chút tiền bạc và những chính sách lương thưởng của công ty cũng tạo động lực không nhỏ đến nhân viên.

  • Đóng BHYT và BHXH cho nhân viên
  • Lương tháng 13
  • Đặt doanh số và thưởng KPI nếu nhân viên làm tốt
  • Phụ cấp cơm trưa (nếu có thể)
  • Tổ chức Team Building, du lịch 1 năm/lần (nếu có điều kiện)
  • Ưu tiên truyền thông nội bộ thay vì cứ tập trung quá nhiều vào truyền thông bên ngoài doanh nghiệp

Ý nghĩa của việc khích lệ nhân viên đối với doanh nghiệp

Việc khích lệ nhân viên tạo nên cho nhân viên một sự hài lòng nhất định với công việc, với người lãnh đạo và cả doanh nghiệp. Khi nhân viên cảm thấy hài lòng, đồng nghĩa với nhân viên có động lực đi làm và hứng thú đi làm. 

Nhờ đó, nhân viên cảm thấy được trân trọng và sẽ cống hiến hết mình cho doanh nghiệp. Điều này vừa động viên cá nhân mà còn khích lệ nhân viên khác cũng cống hiến hết mình cho công ty

Tuy nhiên, nói đi thì cũng nói lại, trách nhiệm làm việc của nhân viên đối với công việc cũng rất quan trọng. Trong một số trường hợp, vấn đề không nằm ở doanh nghiệp không biết khích lệ nhân viên mà vấn đề nằm ở người nhân viên thờ ơ, vô trách nhiệm với công việc.