Làm việc từ xa (còn được gọi là Teleworking), là việc nhân viên không cần phải đến công ty mà có thể ngồi ở quán cafe, ở nhà hoặc bất cứ nơi nào miễn là có thể ngồi trước màn hình máy tính để liên lạc với cấp trên hoặc đồng nghiệp.
Thời gian gần đây, văn hoá làm việc từ xa đã và đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng, nhất là đối với những công ty lớn trên thế giới như Google, Facebook,… đều áp dụng văn hoá làm việc từ xa và phần đông các nhân viên đều hài lòng và muốn được tiếp tục làm việc bằng phương pháp này.
Tương tự, ở Việt Nam, văn hoá làm việc từ xa cũng đang trở thành xu hướng của các công ty hiện nay do lệnh giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid.
(Hình ảnh một người đang làm việc từ xa)
Lợi ích của văn hoá làm việc từ xa
Trong thời đại 4.0 khi Wifi và các thiết bị công nghệ phát triển mạnh mẽ, người quản lý có thể dễ dàng theo dõi và quản lý tiến độ công việc của nhân viên thông qua màn hình trong trường hợp người nhân viên ở xa hoặc vì một số điều kiện không thể đến công ty. Bên cạnh việc mang lại những hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, văn hoá làm việc từ xa cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho nhân viên trong nhiều trường hợp.
Đối với doanh nghiệp
1.Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Nhờ sự ra đời của văn hoá làm việc từ xa, một số công ty lớn ở nước ngoài có xu hướng tìm thêm nhân viên từ các nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là từ Việt Nam thay vì thuê nhân viên trong nước. Lý do là bởi vì điều này có thể giúp các công ty lớn giảm rất nhiều chi phí trong việc trả lương cho nhân viên. Ngoài ra, việc nhân viên không đến văn phòng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được kha khá chi phí tiền mặt bằng,chi phí điện nước và wifi.
2.Doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tuyển người
Lý do tiền lương không phải là lý do duy nhất khiến các doanh nghiệp lớn của nước ngoài muốn tìm kiếm nhân viên từ nước khác. Đôi khi, còn có sự khan hiếm nhân lực trong nước vì không tìm được người có đủ trình độ chuyên môn. Khi này, việc áp dụng văn hoá làm việc từ xa sẽ giúp các doanh nghiệp tìm được đối tượng thực sự thích hợp
(Văn hoá làm việc từ xa kết nối doanh nghiệp và nhân viên nhiều hơn)
Đối với cá nhân
1.Tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhân viên
Bên cạnh sự chủ động, thoải mái, người làm việc còn có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí ăn uống, đi lại. Trong văn hoá làm việc từ xa, thay vì mỗi ngày tốn từ 2 tiếng hoặc hơn dành cho việc đi lại và gặp một số khó khăn như kẹt xe, trễ xe buýt hoặc thời tiết không thuận lợi, nhân viên chỉ cần ngồi ở nhà vừa làm việc mà vừa có thể hoàn thành việc nhà nhờ tiết kiệm được thời gian đi lại và biết sắp xếp thời gian hợp lý.
2.Tạo điều kiện việc làm cho người khuyết tật
Tại Mỹ, nhiều công ty vừa chọn hình thức làm việc trực tiếp, vừa có mô hình làm việc từ xa và điều này đã tạo ra nhiều cơ hội cho những người khuyết tật khi họ đáp ứng đủ điều kiện để được làm ở doanh nghiệp nhưng gặp khó khăn trong việc đi lại. Tính đến nay, nhiều công ty lớn của Mỹ đang áp dụng văn hoá làm việc từ xa cho người khuyết tật và bất ngờ là điều này không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
3.Đảm bảo an toàn sức khỏe mùa dịch
Với tình hình dịch Covid đang diễn ra căng thẳng trên các nước thế giới, làm việc từ xa là giải pháp an toàn và cấp thiết giúp ngăn chặn sự lây lan của virus. So với việc các nhân viên gặp nhau và làm việc chung trong một không gian, giờ đây chỉ cần ngồi tại nhà và giải quyết xong phần công việc được sếp giao cũng được xem như là đang góp một phần chung tay chống dịch Covid cùng với cả nước.
Một số bất cập khi làm việc từ xa
Tuy nhiên,không phải lúc nào làm việc từ xa cũng tốt vì đôi khi nhân viên không thể quản lý được thời gian cũng như gặp một số khó khăn trong giao tiếp.
Giảm hiệu quả làm việc
Một số nhân viên không thể làm việc hiệu quả khi không được giám sát trực tiếp vì không phải nhân viên nào cũng có ý thức tự giác và trách nhiệm làm việc. Trong một số trường hợp khác, nhân viên không thể tập trung được khi làm việc tại quán cafe hoặc tại nhà vì có quá nhiều phân tâm: tiếng ồn, trẻ em khóc, chăm sóc người già, hàng xóm hát karaoke,…
Giao tiếp khó khăn
Ngoài ra, trong một thời gian dài không được lên công ty và giao tiếp với đồng nghiệp, cấp trên mà chỉ ngồi ở nhà làm việc trước màn hình máy tính, việc thiếu đi tương tác trực tiếp là điều không tránh khỏi. Lâu dần, nhân viên sẽ bị mài mòn đi kỹ năng giao tiếp của mình và giảm đi kỹ năng tiếp cận thông tin bởi vì ít có cơ hội được trao đổi với sếp.
Đồng thời, việc không có đồng nghiệp xung quanh sẽ mất đi những phút giây làm việc vui vẻ, những thông tin tiếp cận thị trường, thay vào đó chỉ có một mình với màn hình dễ gây nên nhiều áp lực, dẫn đến trầm cảm vì ít được giao tiếp.
Tối ưu hoá hiệu suất của làm việc từ xa
Hiện nay, có rất nhiều thiết bị công nghệ hiện đại được sản xuất bởi các công ty công nghệ thông tin nhằm đáp ứng văn hoá làm việc từ xa. Các thiết bị này cho phép doanh nghiệp quản lý nhân viên từ xa thông qua hình ảnh, hoặc đo lường mức độ làm việc của nhân viên,..
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng chú ý đến việc cung cấp công cụ làm việc thích hợp thông qua các loại phần mềm ứng dụng hỗ trợ giao tiếp từ xa. Việc lựa chọn công cụ phù hợp nhằm đảm bảo ứng dụng phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp cũng như mọi người đều có thể sử dụng hiệu quả để cấp trên có thể liên lạc để hỗ trợ nhân viên kịp thời.
Xu hướng văn hoá làm việc từ xa trong tương lai
Thật ra, văn hoá làm việc từ xa đã có từ trước đại dịch nhưng việc bùng phát dịch bệnh đã thúc đẩy nhanh hơn xu hướng phát triển này. Trong tương lai, khả năng cao nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục áp dụng văn hoá làm việc từ xa bởi vì mô hình này không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà còn có được sự ủng hộ của các nhân viên.
Theo một thống kê nội bộ của Facebook, có đến 60% nhân viên của công ty này nói rằng họ muốn được tiếp tục làm việc từ xa sau khi hết dịch. Không riêng gì Facebook hay các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, các công ty ở Việt Nam hiện nay cũng đang có xu hướng làm việc từ xa nhằm tiết kiệm chi phí bởi lẽ dịch Covid đã gây tổn hại rất nhiều đến doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.